Dinh dưỡng cho Phụ nữ mắc Tiểu đường Thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ là tình trạng rối loạn chuyển hóa đường trong cơ thể khi mang thai và thường được phát hiện từ tháng thứ 4 của thai kỳ. Mặc dù tiểu đường thai kỳ thường tự khỏi sau khi sinh khoảng 6 tuần, nhưng nó lại gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và con: thai nhi quá lớn, dị tật bẩm sinh, tăng huyết áp, đa ối,… 

Phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân bằng để đảm bảo vừa kiểm soát tốt lượng đường huyết, ngăn ngừa biến chứng xấu và thai nhi vẫn phát triển khỏe mạnh bình thường. Ngoài những lưu ý sau đây, mẹ bầu mắc phải đái tháo đường thai kỳ nên tham khảo thêm ý kiến bác sĩ để có chế độ dinh dưỡng an toàn nhất cho mình nhé!

KHẨU PHẦN ĂN CỦA MẸ BẦU BỊ TIỂU ĐƯỜNG THAI KỲ NHƯ THẾ NÀO?

Tỷ lệ phần trăm các nhóm chất dinh dưỡng đa lượng trong bữa ăn của mẹ bầu: nhóm bột đường chiếm 33-40%, chất béo chiếm 35-40%, nhóm đạm chiếm 20%, kết hợp với nhiều rau xanh và trái cây. Nên ăn nhiều lần trong ngày, tốt nhất là 3 bữa chính và 2-3 bữa phụ để kiểm soát tốt lượng đường trong máu:

  • Bữa ăn chính nên gồm có: ¼ là chất đạm (thịt nạc, cá, trứng, ngũ cốc nguyên hạt,…), ¼ là các thực phẩm chứa tinh bột như cơm, ngũ cốc, khoai tây, bắp, đậu,…, một nửa còn lại là rau xanh và củ quả không tinh bột như cà chua, súp lơ,…
  • Bữa ăn phụ nên ăn sau bữa chính khoảng 2 giờ, mẹ bầu có thể lựa chọn những loại trái cây ít đường như dâu tây, bưởi, việt quất,…hoặc các loại sữa/ sữa chua không đường dùng kèm với các loại hạt hạnh nhân, macca, óc chó,…

Nên ăn rau trước để làm giảm sự hấp thu đường, sau đó mới ăn tinh bột và chất đạm. Ưu tiên lựa chọn chất đạm lành mạnh như thịt nạc, cá, đậu,…để kiểm soát đường huyết tốt hơn nhưng vẫn đảm bảo duy trì đủ năng lượng cho cơ thể. Hạn chế thức ăn chế biến sẵn, đóng hộp, chưa nhiều muối như mỳ ăn liền, khoai tây chiên,…

NHỮNG THỰC PHẨM THAI PHỤ MẮC TIỂU ĐƯỜNG NÊN ĂN

  • Thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) thấp: là những thực phẩm rất giàu chất xơ giúp mẹ bầu kiểm soát tốt lượng đường trong máu như rau xanh, đậu đỗ, gạo lứt, trái cây ít đường.
  • Thực phẩm chứa protein lành mạnh: thịt ức gà, thịt nạc, cá, đậu, các loại quả hạch như hạnh nhân, óc chó,…, các loại sữa dinh dưỡng cho người tiểu đường.
  • Thực phẩm chứa chất béo không bão hòa: dầu ô liu, cá hồi, các loại hạt, quả bơ,… Chất béo không bão hòa là loại chất béo tốt có khả năng làm giảm cholesterol xấu, phòng ngừa các bệnh tim mạch, thừa cân, béo phì.

Một chế độ ăn uống lành mạnh, hợp lý và đủ dinh dưỡng sẽ giúp khống chế tốt tình trạng bệnh đái tháo đường ở thai phụ, ngăn chặn tiến triển xấu và các biến chứng không mong muốn để đảm bảo sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Ngoài ra, người phụ nữ mang thai bị tiểu đường cũng nên tăng cường hoạt động thể chất với các bài tập nhẹ nhàng, thích hợp để cải thiện sức khỏe tốt hơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *