Ăn uống như thế nào để kiểm soát tốt đường huyết khi mắc Đái tháo đường

Bệnh tiểu đường không thể điều trị dứt điểm và rất dễ xuất hiện biến chứng nếu người bệnh không kiểm soát tốt tình trạng bệnh, ổn định lượng đường huyết. Chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân tiểu đường có yêu cầu khắt khe hơn bình thường nhưng vẫn phải đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng để nuôi sống cơ thể, duy trì các hoạt động hằng ngày.

Nguyên tắc dinh dưỡng đối vời từng người bệnh tiểu đường không hề giống nhau, nó phụ thuộc vào tình trạng bệnh, mục tiêu điều trị, sở thích ăn uống…nhưng đều hướng về kết quả cuối cùng chính là giữ mức đường huyết ổn định và hạn chế thấp nhất nguy cơ xuất hiện biến chứng.

TÁC ĐỘNG CỦA TỪNG NHÓM THỰC PHẨM ĐẾN LƯỢNG ĐƯỜNG HUYẾT

  • Nhóm bột, đường: thường có nhiều trong các loại bánh mì, bánh ngọt, ngũ cốc, trái cây và rau củ có tinh bột. Mặc dù đây là nhóm thực phẩm cần thiết để cung cấp năng lượng mỗi ngày nhưng tốc độ làm tăng đường huyết của nhóm này lại khá nhanh, hơn hẳn các nhóm còn lại. Người bệnh tiểu đường vẫn có thể ăn cơm, gạo lứt hay khoai lang hằng ngày nhưng trong mức kiểm soát.
  • Nhóm chất đạm: bổ sung đủ các thực phẩm giàu đạm như thịt, cá, trứng, sữa,…cho bệnh nhân tiểu đường để cơ thể không bị thiếu chất. Đạm không tác động trực tiếp lên mức đường trong máu lại tạo cảm giác no lâu và giúp đốt cháy nhiều calo hơn, hỗ trợ tốt trong việc kiểm soát cân nặng. Tuy nhiên, nếu bạn đang bị tiểu đường và thừa cân thì nên chọn ăn thịt nạc, đạm thức vật, hạn chế thịt mỡ, da gà, da vịt.
  • Nhóm chất béo: cũng tương tự chất đạm, chất béo không có tác động trực tiếp đến lượng đường huyết nhưng cần được kiểm soát khi sử dụng. Người bị tiểu đường nên sử dụng dầu thực vật như dầu oliu, dầu đậu nành,…hạn chế dùng mỡ động vật. Có thể bổ sung chất béo từ các loại hạt như hạnh nhân, macca, hồ đào, hạt điều,…
  • Nhóm vitamin, chất xơ: theo nghiên cứu khoa học, người bệnh tiểu đường cần tiêu thụ chất xơ trung bình 14g/1000kcal/ngày. Ăn nhiều rau xanh, củ quả để khống chế lượng đường trong máu vì bản thân chất xơ không làm tăng đường huyết, lại có khả năng giảm mỡ máu và ổn định huyết áp, rất tốt cho người tiểu đường.

NGUYÊN TẮC ĂN UỐNG CỦA BỆNH NHÂN TIỂU ĐƯỜNG

  • Không kiêng khem quá mức mà phải ăn đầy đủ để cơ thể có năng lượng duy trì hoạt động hằng ngày. Không ăn quá no hay quá ít mà phải điều chỉnh lượng vừa đủ theo nhu cầu cơ thể để ổn định đường huyết.
  • Nên chia nhỏ bữa ăn để kiểm soát tốt hơn lượng đường giải phóng vào máu. Thay vì ăn 3 bữa chính bạn có thể chia làm 5 bữa nhỏ bằng việc bổ sung các bữa ăn phụ, đảm bảo cơ thể không cảm thấy đói hay hạ đường huyết. Đặc biệt cần ăn đúng cử, đúng giờ.
  • Bổ sung đủ nước mỗi ngày để tăng cường trao đổi chất, giảm sự thèm ăn, giúp bài trừ độc tố ra khỏi cơ thể, tăng lưu lượng máu giảm phát sinh và phát triển các biến chứng bệnh lý do bệnh đái tháo đường gây ra.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *